Đình làng Bát Tràng nằm ở xóm 1 của làng Bát Tràng, nhìn được ra sông Hồng. Các bậc cao niên trong làng cho rằng đình được dựng vào đầu thời Lê Trung hưng (1593-1789) và đã trải qua năm lần tu bổ.
Đây là một ngôi đình lớn được xây dựng với loại vật liệu tốt nhất. Các cột, xà, hoành, kẻ, bẩy,... đều làm bằng gỗ lim. Tường đầu hồi, thềm đình và móng đình được xây bằng các loại gạch do làng sản xuất. Các chân cột được kê bằng phiến đá lớn, viên nhỏ nhất mỗi cạnh cũng phải một mét, nhiều viên lớn hơn đủ để kê và tương xứng với cột đình. Đình có cấu trúc chữ Nhị, gồm hai toà song song với nhau là đại đình và cung đình cùng các bộ phận khác như tam quan, giải vũ,..
Đình làng Bát Tràng thờ sáu vị thành hoàng, dân làng thường gọi là lục vị nhà thánh bao gồm ba vị thiên thần và ba vị nhân thần. Các vị thành hoàng thể hiện sự tôn kính của dân làng với tự nhiên, với những người giúp đỡ cho dân làng. Sáu vị thành hoàng đã được các đời vua ban nhiều sắc phong. Tại đình làng Bát Tràng đang còn lưu giữ 44 đạo sắc phong. Đây là một số lượng sắc phong lớn còn được lưu giữ tại nơi đây. Đình làng Bát Tràng là di tích kiến trúc nghệ thuật xếp hạng năm 2002.