Văn chỉ là di tích có nguồn gốc từ Trung Hoa, thờ Khổng Tử và các học trò của ông. Ngoài ra, tại đây còn thờ Chu Văn An. Văn chỉ làng Bát Tràng nằm ở sau đình, không rõ được dựng từ bao giờ. Từ ngoài đi vào là tam quan, phía trên của cổng chính có ba chữ Hán “ngưỡng di cao”. Đây là một ý trong Luận ngữ nghĩa là nhìn lên phía cao vời vợi, nhắc nhở người trong làng phải luôn luôn phấn đấu vươn lên cao hơn trong học hành. Sau khi qua tam quan là một sân rộng, ở đây có tấm bia khổ lớn, đặt trên mình một con rùa. Bia để trắng, không khắc chữ. Đây là điểm khác biệt so với văn chỉ của các làng khác. Sở dĩ như vậy do có ngụ ý muốn nhắc nhở các thế hệ phải luôn phấn đấu, không được tự mãn với thành tích của mình. Người Bát Tràng luôn có ý chí cầu tiến, vươn lên và đạt được những thành tích cao hơn.
Khu vực chính của văn chỉ có kết cấu chữ Nhị. Nối với sân là tiền tế có năm gian rộng, qua một sân hẹp là cung thờ cũng có năm gian như tiền tế nhưng rộng hơn. Ngoài ra các hoành phi câu đối, ngày thường ở trong cung chỉ có các bệ thờ, trên để các bát hương, không có long ngai hay các cỗ kiệu như ở đình. Vào những ngày có tế Đinh thì các bệ thờ có đặt các bài vị. Đây còn là nơi sinh hoạt của hội tư văn. Trải qua thăng trầm của lịch sử, văn chỉ ngày càng xuống cấp. Năm Tân Mão-2011 dân làng tiếng hành cải tạo lại văn chỉ dựa trên quy mô cũ.